Bỏ thi tốt nghiệp THPT vô nghĩa, trả lại tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng

Rate this post
Những năm gần đây, số học đậu tốt nghiệp THPT đạt từ 98- 99% thậm chí có nơi đạt 100%, kể cả miền núi nên việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT là không cần thiết. Cùng với những bất cập thời gian qua thì đây là thời điểm phù hợp để bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và trả lại việc tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng.
Vụ 114 học sinh ở Hà Giang “được” sửa điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia  đang khiến dư luận phẫn nộ. Theo Bộ Giáo  dục và Đào tạo (GD&ĐT), có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm 3 môn chênh lên hơn 20 điểm. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm. Với số điểm bị chênh, có thể đủ để đặt các em vào bất kỳ trường đại học danh tiếng nào trong nước, kể cả Đại học Y, Dược, Bách Khoa. Tuy nhiên, sau khi chấm lại, nhiều thí sinh trong diện sửa điểm đang từ “thủ khoa” khi được chấm lại đã rơi vào diện “trượt” tốt nghiệp.
Không chỉ Hà Giang, hiện trên mạng xã hội cũng đang lưu truyền bản danh sách các thí sinh được cho là tại Lạng Sơn, Sơn La có điểm thi tốt nghiệp cao bất thường, với số điểm từ 21 đến 28 điểm.
Những năm 90 của thế kỷ trước, Bộ GD&DT thực hiện 2 kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và các trường tự tổ chức thi đại học, cao đẳng. Theo đó, sau khi đậu tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ tiếp tục thi đại học, cao đẳng. Việc tổ chức thi do các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức. Vì vậy, các kỳ thi tuyển sinh đại học diễn ra nghiêm túc, việc sai sót là rất ít. Thời điểm đó, một thí sinh có thể dự thi vài trường nếu học tốt, thí sinh có thể đỗ 3-4 trường đại học, cao đẳng.
ha-noi-chan-bi-cho-gan-80000-thi-sinh-thi-thpt-quoc-gia-2018-26-5.jpg
Thí sinh sau giờ thi THPT Quốc gia

Tuy nhiên, vì lý do tốn kém cho các gia đình và xã hội, đầu những năm 2000, Bộ GĐ&ĐT đã tiến hành cải cách. Theo đó, vẫn có 2 kỳ thi là tốt nghiệp THPT và Đại học Cao đẳng. Tuy nhiên, với kỳ thi đại học, cao đẳng, Bộ GD&ĐT tổ chức “3 chung”. Theo đó, các thí sinh thi chung đề, ở một điểm thi, nếu không đậu nguyện vọng 1, có thể lấy giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển ở các trường khác.

Nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí, năm 2015, Bộ GD&ĐT đã quyết định tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Kỳ thi này gộp cả thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng. Theo đó, kỳ thi này xét cho thí sinh hai nguyện vọng: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, những vấn đề bất cập bắt đầu xuất hiện và đỉnh điểm là vụ sửa điểm ở Hà Giang.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là sai lầm khi Bộ GD-ĐT cố duy trì hình thức tổ chức kỳ thi “2 trong 1”. Không thể nào một kỳ thi đáp ứng được cả 2 mục đích mà có sự công bằng tuyệt đối với tất cả thí sinh.
Năm 2006, Việt Nam đã chính thức bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS và tiến tới phổ cập THPT.
Những năm gần đây, theo báo cáo, số học sinh đậu tốt nghiệp THPT đạt từ 98- 99% thậm chí có nơi đạt 100%, kể cả miền núi. Theo thống kê, năm 2017, các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ tốt nghiệp THPT khá cao như Cao Bằng 91,39%; Phú Thọ 99,1%; Hòa Bình 96,94%; Thái Nguyên 96,5%;  Điện Biên 97,22%; Bắc Kạn 95,67%; Lai Châu 95,94%; Đăk Nông 96,98%; Đắk Lắk 95,13%; Gia Lai 92,84%; Kon Tum 95,72%.
1.jpg
Thí sinh sau giờ thi

Hiện nay, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và lấy điểm này để xét vào đại học đã bộc lộ nhiều bất cập. Áp lực đậu đại học, dù con em không chú trọng học hành nhưng lại muốn điểm cao và nhiều phụ huynh đã lên phương án nhờ thầy cô sửa điểm, nâng điểm. Hơn nữa, việc tổ chức kỳ thì THPT Quốc gia tại các địa phương dù có trông thi chéo vẫn sẽ có tình trạng “gửi gắm” hoặc nới lỏng việc coi thi của các địa phương bởi. Bởi nếu giáo viên trường A coi thi tại trường B gắt gao, dẫn đến điểm đậu tốt nghiệp trường B thấp thì sẽ bị “thù”. Năm sau, nếu trường B được coi trường A thì cũng sẽ gắt gao và tất nhiên, số học sinh đậu tốt nghiệp sẽ thấp, thành tích giảm. Bởi vậy, sẽ dẫn đến tình trạng các bên cùng lỏng vì “chẳng mất gì” và tình cảm các bên càng “thân thiện hơn”. Đó là chưa kể việc chấm thi do Sở GD&ĐT các tỉnh thực hiện nên việc can thiệp nâng điểm có thể xảy ra dẫn đến điểm cao bất thường như ở Hà Giang.

Với các trường Đại học, cao đẳng, việc xét điểm như hiện nay đã đặt họ vào tình thế “đã rồi”, bởi học sinh dù “chạy điểm”, nâng điểm nếu không bị phát hiện vẫn là hợp pháp nên buộc phải nhận.
Vì vậy, giải pháp tốt nhất là bỏ thi tốt nghiệp THPT và trả lại kỳ thi đại học cho các trường đại học, cao đẳng. Theo đó, khi học hết lớp 12, các em sẽ được cấp giấy Chứng nhận học hết chương trình THPT (như giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học tạm thời hiện nay). Nếu em nào muốn học nghề hay đi làm thì sử dụng giấy chứng nhận tốt nghiệp này. Trường hợp thi đại học thì tiếp tục kỳ thi do các trường tổ chức. Còn các trường sẽ tự tổ chức thi, ra đề, chấm thi và xét điểm để đảm bảo tính công bằng, lựa chọn được những học sinh theo đúng yêu cầu của trường mà cũng theo được đúng nguyện vọng của các em.
Mục tiêu phổ cập THPT đã tới gần và đây là thời điểm thích hợp để bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vô nghĩa.

 Như Ngọc  Xem thêm chi tiết Báo Phụ nữ Việt